KỈ LUẬT BẰNG CỦNG CỐ TÍCH CỰC TRONG NUÔI DẠY TRẺ

Theo triết gia Hy lạp cổ đại Plato (427-347 TCN): “Giáo dục chính là dạy cho trẻ biết mong muốn những điều đúng đắn.” 

Hành trình nuôi dạy trẻ thiếu đi sự hướng dẫn và kỷ luật thường được ví như một đấu trường nơi ý chí và trí óc của cả cha mẹ lẫn con cái đều đang được thử thách.

CỦNG CỐ TÍCH CỰC chỉ là một trong nhiều hình thức kỷ luật, nhưng từ góc độ tâm lý học tích cực, nó có thể là một trong những phương pháp quan trọng nhất vì nó tập trung vào việc khuếch đại những điều tốt ở bản thân trẻ và trong chính chúng ta.

CỦNG CỐ TÍCH CỰC như một hình thức kỷ luật tích cực cho phép cha mẹ khai thác thế mạnh cá nhân của con cái, tập trung sự chú ý đến đặc điểm tính cách và sở thích của trẻ, và kết quả là cho cha mẹ cơ hội kết nối, giao tiếp hiệu quả và cuối cùng trao quyền cho trẻ tự phát triển chính mình.

MỘT GÓC NHÌN VỀ CỦNG CỐ TÍCH CỰC TRONG KỈ LUẬT

CỦNG CỐ TÍCH CỰC là một trong bốn loại củng cố trong lý thuyết điều hòa về hành vi con người và một trong nhiều cách tiếp cận trong nuôi dạy con cái. Mục đích của nó là nhằm khuyến khích một hành vi mong muốn bằng cách đưa ra phần thưởng/khen ngợi ngay sau khi hành vi đó xảy ra và do đó làm tăng khả năng hành vi được lặp lại (McLeod 2018).

Nó không khác so với nguyên tắc cơ bản của tâm lý học tích cực, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung vào những gì tốt đẹp trong bản chất con người. Và cũng giống như tâm lý học tích cực không tuyên bố đại diện cho một quan điểm hoàn chỉnh về tâm lý con người, chỉ sử dụng phương pháp CỦNG CỐ TÍCH CỰC không tạo ra một mô hình hiệu quả cho việc nuôi dạy con cái mà chỉ nên được coi là một phương pháp bổ sung cùng với nhiều mô hình hiện đại về nuôi dạy con cái tích cực khác.

Trẻ em ở mọi lứa tuổi phản ứng tích cực với lời khen ngợi vì trẻ muốn làm hài lòng cha mẹ và hơn hết muốn được công nhận là có thể đưa ra những lựa chọn đúng. Khi chúng ta khen ngợi những hành vi và lựa chọn tích cực, chúng ta thúc đẩy trẻ lặp lại những hành vi đó. Ví dụ, bạn có thể nói với trẻ, “Con xếp các khối hình thật giỏi”, sẽ tốt hơn thay vì chờ các khối bị sập và nói với trẻ, “Cẩn thận đấy”. Hình thức phản hồi tích cực này được gọi là lời khen ngợi mô tả bởi vì nó cho trẻ em biết cụ thể những gì chúng đang làm tốt.

Lời khích lệ mô tả mang lại động lực mạnh mẽ. Ngay cả với thanh thiếu niên, những đứa trẻ đang ở độ tuổi tự lập, vẫn mong muốn và cần sự ủng hộ của cha mẹ. Khi bạn nhận thấy những đứa trẻ lớn tuổi của mình đưa ra các lựa chọn có trách nhiệm, bạn khuyến khích trẻ tiếp tục cư xử như vậy nhưng cần phải nhạy cảm với thực tế là thanh thiếu niên thường thích được khen ngợi riêng tư hơn là trước mặt bạn bè.

LỢI ÍCH CỦA CỦNG CỐ TÍCH CỰC

Lợi ích của CỦNG CỐ TÍCH CỰC đi cùng với những gì tâm lý học tích cực dạy chúng ta về việc nuôi dưỡng tư duy tích cực và tập trung vào những gì tốt đẹp ở con người. Mặc dù xu hướng tự nhiên của chúng ta là sửa chữa, khắc phục và giải quyết vấn đề, nó thường không tạo ra cách tiếp cận hiệu quả hơn và có xu hướng gây xa cách với những người mà chúng ta đang cố gắng giúp đỡ.

CỦNG CỐ TÍCH CỰC cũng cho phép cha mẹ tránh được hậu quả tiêu cực lâu dài của trừng phạt mà không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy được ngay lập tức. Theo thời gian, trừng phạt tạo ra sự phẫn nộ và làm giảm niềm tin, kích thích nổi loạn và thậm chí tâm lý trả thù – những điều này khuyến khích trẻ bất chấp và làm ngược lại với những gì chúng ta yêu cầu. Một số trẻ có thể rút lui vào vỏ bọc của chính mình và bắt đầu trốn tránh và nói dối, và trong những trường hợp khác, thậm chí tự nội tâm hóa hành động trừng phạt và nghĩ rằng trẻ là một người xấu.

NHƯNG LIỆU CÓ MẶT TRÁI NÀO KHÔNG?

Một số ý kiến cho rằng không có sự khác biệt giữa “hối lộ” (nuông chiều) và khen thưởng, tuy nhiên cần làm rõ rằng “hối lộ” được đưa ra trước hành vi mà chúng ta muốn khuyến khích ở trẻ trong khi khen thưởng được trao sau đó.

Cũng có ý kiến cho rằng việc liên tục khen ngợi trẻ rằng chúng tuyệt vời như thế nào có thể khiến trẻ mù quáng trước những cơ hội cho phép chúng trải nghiệm những thách thức cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi (Gross-Loh 2013). Cuối cùng, những lời khen ngợi quá mức có thể làm cha mẹ kiệt sức và con cái chúng ta có thể biết khi nào chúng ta không thành thật. Cha mẹ có nguy cơ mất uy tín nếu khen ngợi trẻ một cách bừa bãi. Chưa kể rằng cha mẹ cũng có nguy cơ củng cố một hành vi sai, ngay cả khi vô ý.

Như vậy, áp dụng và thực hành CỦNG CỐ TÍCH CỰC như nào cho đúng? Mời các độc giả đón đọc phần tiếp theo của bài viết này nhé.

***

Nguồn: Cánh Diều Project

 

IQ MATH

Trụ sở chính công ty: Nhà số 1, kiệt 29, đường Lê Hồng Phong, thành phố Huế

Hotline: 0935.484.737

Email: oanhoanh85@gmail.com