Tuần 2 – Nhà toán học Leonhard Euler (15/4/1707 – 18/9/1783)

Là nhà toán học, nhà vật lý học, nhà thiên văn học và nhà lý luận người Thụy Sĩ. Ông (cùng với Archimedes và Newton) được xem là một trong những nhà toán học lừng lẫy nhất trong lịch sử.

Leonhard Euler sinh ngày 15 tháng 4 năm 1707 tại Basel, Basel-Stadt, Thụy Sĩ. Ông là con của mục sư thần học Calvin. Ông có hai chị em gái và một em trai. Ngay sau khi Leonhard chào đời, cha ông chuyển từ Basel đến thị trấn Riehen, đây là nơi Euler đã dành hầu hết thời thơ ấu của mình. Năm 1720, lúc 13 tuổi, ông theo học tại Đại học Basel, và năm 1723, ông nhận bằng Thạc sĩ Triết học với luận văn so sánh các triết luận của Descartes và Newton. Trong thời gian đó, ông cũng đã được học các bài giảng từ nhà toán học Johann Bernoulli vào những buổi chiều thứ bảy, người đã nhanh chóng khám phá ra tài năng toán học lạ thường ở cậu học sinh mới của mình. Vào thời điểm đó, các nghiên cứu chính của Euler bao gồm thần học, tiếng Hy Lạp và Hebrew tuân theo sự thúc giục của cha ông để Euler trở thành mục sư, nhưng Bernoulli đã thuyết phục cha của Leonhard rằng cậu bé đã được định để trở thành một nhà toán học vĩ đại.

Năm 1726, Euler hoàn thành luận văn về sự truyền âm thanh với tiêu đề De Sono. Năm 1727, Leonhard lần đầu tiên tham gia “Cuộc thi giải toán” của Viện Hàn lâm Paris và đã đứng thứ hai. Euler sau đó đã giành chiến thắng cuộc thi hàng năm này đến 12 lần. Cũng trong 1727, Euler được nữ hoàng Nga mời đến Sankt-Peterburg. Ông trở thành giáo sư vật lý học năm 1730, và cũng dạy toán năm 1733. Euler là người đầu tiên xuất bản một cuốn sách dạy cơ học. Năm 1733 ông kết hôn với Ekaterina (Katharina) Gsell, con gái của giám đốc Viện hàn lâm nghệ thuật. Họ có 13 con, nhưng chỉ có ba người con trai và hai người con gái sống sót. Ông chính là cha đẻ của lý thuyết đồ thị, thông qua Định lý Euler nổi tiếng (1736) về việc giải bài toán 7 cây cầu ở Königsberg: 

Bản đồ thành phố Königsberg thời Euler cho thấy bố trí thực tế của bảy cây cầu bắc qua sông Pregel.

Kết quả này cũng được xem như một trong những kết quả tôpô đầu tiên trong hình học, tức là, nó không hề phụ thuộc vào bất cứ độ đo nào. Nó diễn tả mối liên hệ sâu sắc giữa lý thuyết đồ thị và tôpô học. 

Euler đã làm việc trong hầu hết các lĩnh vực của toán học như: hình học, giải tích, đại số, lý thuyết số, lý thuyết đồ thị, logic, vật lý và thiên văn học, âm nhạc cuối cùng là triết học. Ông là một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử toán học, được nhiều người coi là nhà toán học có năng suất nhất mọi thời đại. Sau khi ông qua đời, các công trình của ông được tập hợp lại trong quyển “Leonhard Euler Opera Omnia” gồm 85 quyển cỡ lớn với hơn 40.000 trang (ước tính một người phải làm việc khoảng 40 năm mới có thể ghi lại lượng công trình này). Tên gọi Euler được gắn cùng rất nhiều chủ đề toán học. Euler là nhà toán học duy nhất có hai số mang theo tên của ông: Số e trong vi tích phân và hằng số Euler–Mascheroni γ (gamma) đôi khi được gọi là hằng số Euler. 

Euler có vấn đề về thị giác và nó ngày càng tệ hơn trong sự nghiệp toán học của ông. Năm 1738, ba năm sau khi gần khỏi sốt, mắt phải của ông trở nên gần như bị mù. Thị lực của Euler ngày càng tệ hơn trong suốt thời gian ông ở Đức. Mắt trái Euler sau đó còn xuất hiện cườm khô ở thủy tinh thể mà được được phát hiện vào năm 1766. Chỉ vài tuần sau khi phát hiện ra nó, ông đã gần như bị mù hoàn toàn. Tuy nhiên, tình trạng đó dường như ít ảnh hưởng đến khả năng làm việc của ông, vì ông có thiên bẩm về kỹ năng tính nhẩm và trí nhớ siêu phàm – bù lại cho thị lực kém. Khi cả hai mắt đều không nhìn được, Euler nói: “Bây giờ tôi sẽ ít xao nhãng hơn”. Chẳng hạn, Euler có thể đọc thuộc lòng sử thi Aeneid của Publius Vergilius từ đầu đến cuối mà không vấp, và ông cũng có thể chỉ ra dòng nào là đầu tiên và là cuối cùng của mỗi trang trong bản in. Với sự trợ giúp của các phụ tá ghi chép, năng suất của Euler trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu lại thực sự tăng lên. Trong năm 1775, trung bình, ông viết một trang toán học mỗi tuần. Như vậy, ông bị mù hoàn toàn trong 17 năm cuối cuộc đời, nhưng khoảng thời gian đó là lúc ông cho ra hơn nửa số bài ông viết.

Ông đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở Saint Petersburg, Nga và Berlin, khi ấy là thủ đô của nước Phổ. Một nhận xét của nhà toán học Pierre-Simon Laplace đã thể hiện ảnh hưởng của Euler đối với toán học: “Hãy đọc Euler, đọc Euler đi, ông ấy là bậc thầy của tất cả chúng ta“. Tên của ông đã được đặt cho một miệng núi lửa trên Mặt Trăng và cho tiểu hành tinh 2002 Euler. Hình ảnh Euler đã được thiết kế trên đồng 10 Franc Thụy Sĩ cũng như ở nhiều con tem Thụy Sĩ, Đức và Nga. 

Tem Đức – 1957
Tem Đức & Đặc trưng Euler
Tem Nga – 1957

 

IQ MATH

Trụ sở chính công ty: Nhà số 1, kiệt 29, đường Lê Hồng Phong, thành phố Huế

Hotline: 0935.484.737

Email: oanhoanh85@gmail.com